ĐÔI NÉT VỀ NHỮNG QUẢ CÂN HÌNH ĐỘNG VẬT TẠI BẢO TÀNG LỊCH SỬ - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Trong chuyên đề “Cổ vật một số nước Đông Nam Á” khai mạc từ tháng 4/2012 vừa qua tại Bảo tàng Lịch sử, nhóm hiện vật có nguồn gốc Myanmar được lựa chọn trưng bày giới thiệu lần này đáng chú ý là một số những quả cân có kích thước nhỏ, bằng đồng, hình động vật được thể hiện rất đẹp mắt. Đây là lần thứ hai, kể từ sau giải phóng (1975), nhóm hiện vật này lại được dịp xuất hiện trở lại với người dân thành phố Hồ Chí Minh.
Phạm Ngọc Uyên
Trước hết về thuật ngữ, có một số tài liệu gọi những quả cân này là “cân thuốc phiện” (opium weights) dựa vào mục đích sử dụng đặc biệt của nó. Cách gọi này không hoàn toàn đúng bởi thực ra những quả cân này ngoài việc để cân thuốc phiện, một loại cây được trồng phổ biến ở Myanmar, chúng còn được sử dụng cân một số những sản vật quý như: vàng, ngọc trai, đá quý, san hô, gia vị, xạ hương và những vị thuốc đắt đỏ khác.
Những quả “cân thuốc phiện” có niên đại sớm nhất được biết đến ít nhất là thế kỷ 14 trở về trước, tuy nhiên một số quả cân cũng đã bị nấu chảy và làm lại với hình dáng mới. Việc sản xuất những quả cân này đã bị ngừng lại khi nước Anh chính thức sáp nhập Myanmar vào Vương quốc Anh năm 1886.
Để đảm bảo tính thống nhất cũng như độ chính xác, các quả cân phải được làm bằng đồng, phương pháp đúc bằng sáp và rất chú trọng chi tiết. Hệ thống đo lường được các vua của mỗi triều đại ở Myanmar xem xét một cách kỹ lưỡng. Một bộ quả cân chuẩn được thực hiện theo sự chọn lựa của mỗi một ông vua và chúng được cất giữ ở Hlut-taw (Hội đồng liên minh) hoặc Hội đồng tối cao liên bang.
Đơn vị đo lường khối lượng của Myanmar là “kyat” hoặc “tical”, đây là những đơn vị được sử dụng từ năm 1515. Cứ 100 tical thì bằng 1 viss (đơn vị đo lường của Ấn Độ, 1 viss tương đương 1600 gram). Các quả cân có nhiều kích cỡ như 50, 20, 10, 5, 2 và 1 tical, nhỏ hơn thì có 1/2, 1/4 và 1/8 tical. Trong suốt thế kỷ 19 thì các quả cân có kích thước lớn như 10, 5, 2 và 1/2 viss được sử dụng rất phổ biến. Những con số này được khắc ở phần đáy của các quả cân nhỏ hoặc trên tay cầm đối với những quả cân có kích thước lớn.
Sưu tập những quả cân hình động vật hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử gồm 17 hiện vật với kích thước nhỏ gọn và có thể chia thành 4 nhóm chính sau:
1. Nhóm quả cân hình lân: (tiếng Myanmar gọi linh vật có hình dáng nủa sư tử, nửa rồng này là toe, chinthè, hay toe-oung): gồm 8 hiện vật, với môt con lân có kích thước khá lớn so với các con còn lại. Các con lân đều trong tư thế đứng, chân hơi gập ngã về sau, ngực ưỡn cao, cổ đeo trang sức, một con lân có đầu quay nghiêng một bên trong khi các con khác đầu nhìn thẳng phía trước. Hầu hết chúng được đúc trên bệ hình bát giác, duy chỉ một quả cân nhỏ nhất thì phần bệ hình chữ nhật. Loại cân hình lân này được sản xuất rất nhiều. Chúng có niên đại khoảng thế kỷ 17 - 18.
2. Nhóm quả cân hình chim: Gồm 7 hiện vật
- Gà: Trong bộ sưu tập này chỉ có một quả cân hình gà trong tư thế nằm ấp trên bệ hình bán cầu úp có khắc hình cánh hoa. Quả cân này có niên đại khoảng thế kỷ 17.
- Chim hintha: Đây là chủ đề phổ biến nhất, chúng được gọi là chim hintha hay hamsa, tất cả đều chỉ loài ngỗng thần, vật cưỡi của Brahma. Chúng có hình dáng bụ bẫm với cái đầu rụt vào như những con vịt của dân tộc Môn hay như những chú vịt đang ngủ. Loại này gồm bốn quả cân, ba hintha trong tư thế thế đứng và một trong tư thế ngồi trên bệ. Phần bệ hình lục giác và bát giác.
- Chim karaweik: Đề tài này ít phổ biến hơn (một hiện vật) và cũng xuất hiện muộn hơn sau hintha, Karaweik cũng là một loài chim thần thoại trong văn hóa của người Myanmar. Chúng ta có thể phân biệt nó khác với hintha ở cái mỏ nhọn, uốn cong ở đầu.
- Trong nhóm quả cân hình chim còn có một hiện vật trông giống loài chim bồ nông trong tư thế nằm ấp trên bệ hình tròn, mỏ quặp, lông cánh xếp lớp như vảy cá .
3. Nhóm quả cân hình voi: Chỉ có một hiện vật, voi trong tư thế đứng vững chãi trên bệ hình bán cầu úp, vòi rủ dài trước mặt. Quả cân này có niên đại vào thế kỷ 19. Cũng có một số ý kiến cho rằng nó có nguồn gốc Thái Lan hoặc Lào.
4. Nhóm quả cân hình chuột: Cũng chỉ có một quả cân duy nhất, chuột trong tư thế nằm trên bệ hình ovan khắc vạch, đuôi chuột uốn dài ôm sát thân. Quả cân này chỉ cao 1,1 cm thấp nhất trong sưu tập nói trên. Qua một số tài liệu cho biết, những quả cân có hình mèo, công, khỉ, thỏ, chuột là những quả cân mới, được chế tác sau này bằng đồng thau.
Tóm lại, nhóm hiện vật này đã được Viện Bảo tàng Quốc gia tại Sài Gòn (sau là Bảo tàng Lịch sử) sưu tầm được từ sưu tập của Dược sĩ Holbé năm 1929 và hiện nay Bảo tàng Lịch sử tại Thành phố Hồ Chí Minh đang lưu giữ và giới thiệu đến công chúng. Về nguồn gốc, phần lớn chúng đều thuộc hiện vật của Myanmar, có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Về tình trạng, các quả cân còn tương đối nguyên vẹn, bị mòn có thể do trước đây được thường xuyên được sử dụng. Một số quả bị rỉ ten xanh. Loại cân phổ biến chiếm số lượng nhiều là những quả cân có hình chim hintha và hình toe.
Ngoài ra một đặc điểm khác có thể nhận thấy trên nhóm hiện vật này là có năm quả cân có những ký hiệu đặc biệt còn nhận thấy được ở mặt ngoài phần bệ như hình tia mặt trời, chim, hay một hốc tròn… Đây là dấu hiệu để phân loại các quả cân, chúng thường được khắc trên bệ hoặc dưới đáy của quả cân.
Sưu tập trên có nhiều điểm thú vị cần nghiên cứu sâu hơn nữa để có thể bổ sung tư liệu tham khảo đặc biệt là với Bảo tàng Lịch sử, nơi lưu giữ nhiều hiện vật của các nước trong khu vực Đông Nam Á nhằm tăng cường sự hiểu biết về văn hóa và thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nước.
Đồng thời cung cấp thêm nhiều thông tin thú vị khác chẳng hạn như cách thể hiện khi trưng bày một bộ cân hoàn chỉnh giúp người xem hình dung một cách rõ ràng hơn. Hoặc dựa vào những đặc điểm để phân loại các quả cân như: sừng (thú), mào (chim), miệng, bờm, cánh (chim), chân, đuôi và cả hình dạng phần bệ cùng những ký hiệu khác trên bệ. Hay có thể giải thích tại sao người Myanmar lại thích làm những quả cân có hình chim hintha và hình thú toe. Chim hintha được cho là có liên quan đến Phật giáo thể hiện tinh thần thanh khiết và thanh thoát vì thế mà khi dùng quả cân có hình này họ nghĩ rằng hintha sẽ phân biệt được sự nguyên chất và sự lẫn lộn đồng thau. Trong khi đó quả cân hình toe được cho là biểu trưng của bồ tát từ bi hoặc tượng trưng cho vương quyền. Người Myanmar cũng tin rằng những quả cân hình toe có một sức mạnh hàn gắn đặc biệt do đó loại cân này được đúc trong suốt triều đại của vua Bodawpaya (1790-1819).
Tài liệu tham khảo:
1. Galerie Michael Herrfurth – Asiatische Kunst, The lions of Burma, Sixty Lion Weights, Katalog Nr.6 – Sommer 2012.
2. Galerie Michael Herrfurth – Asiatische Kunst, The bird cage animal weights of Burma, Katalog Nr.7 – Sommer 2012.
3. Burmese “opium” weights
http://www.lasieexotique.com/mag_opiumweights/mag_opiumweights.html
4. Opium weight collection
http://www.sabaidesignsgallery.com/collections/opium-weight/