Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 9
Truy cập hôm nay: 71422
Tổng số truy cập: 3320796
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

ĐỀN THỜ HÙNG VƯƠNG - Phạm Hữu Công

2012-06-13 06:43:49

Năm 1864, người Pháp cho lập vườn Bách Thảo đầu tiên ở Sài Gòn- cũng là vườn Bách Thảo đầu tiên ở Đông Dương (nay là Thảo Cầm Viên Sài Gòn).

Đến năm 1926, một ngôi đền tên là Temple de Souvenir (Đền Kỷ Niệm) được người Pháp xây dựng trong khuôn viên vườn Bách Thảo, phía bên phải cổng chính nhìn vào, cách đường Rousseau. (nay là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) khoảng 22,3m, đền lúc ấy dùng để tưởng niệm những người lính tử trận trong chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) và năm sau, năm 1927 Bảo tàng được xây dựng ở phía đối diện. Từ năm 1954, Đền Kỷ Niệm trở thành nơi thờ Hùng Vương, Khổng Tử, Trần Hưng Đạo, Lê Văn Duyệt của chính quyền Sài GònSau năm 1975, Đền được sử dụng chỉ để thờ các Vua Hùng và mang tên Đền thờ Hùng Vương.

     Mang đậm nét kiến trúc cổ Việt Nam, đền có bình đồ vuông, diện tích nội thất 207,36m2 (cạnh 14,4m) tọa lạc trên một khu đất khoảng 1.360m2, nhìn về hướng Bắc lệch Tây 240. Nền của đền có ba cấp, cao toàn bộ 3,27m tượng trưng Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân), nhỏ dần khi lên cao tạo thế vững chắc của khối nhà với cấp nền 1 cạnh dài 27,22m; cấp nền 2 cạnh dài 19,44m; cấp nền 3 cạnh dài 14,4m. Tuy nhiên nền của Đền không được đổ đất bằng mà lại đúc bê tông tạo thành tầng hầm mà mặt dựng phía sau được bố trí cửa ra vào có song sắt[1].

Mặt tiền của Đền đối diện với Bảo tàng Lịch sử qua trục đường Lê Duẩn, cả hai tạo thành một cụm kiến trúc phương Đông đăng đối, hài hòa. Đền có ba lối vào rộng 8,65 – 8,75m trước mặt và hai bên. Lối vào hai bên bố trí một vườn hoa nhỏ (5,4m x 2,8m) ở giữa nghiêng theo các bậc thềm nhằm phân biệt với lối vào mặt tiền thông thoáng. Mỗi lối vào là những bậc thềm dẫn lên theo 3 cấp nền: Cấp nền 1 cao 2,2m gồm 13 bậc thềm, hai bên có đôi rồng chân bốn móng theo mô típ rồng thời Nguyễn dẫn lên; cấp nền 2 cao 0,9m gồm 5 bậc; cấp nền 3 cao 0,29m gồm 1 bậc vào tới cửa. Mỗi cấp đều có chiếu nghỉ, chiếu nghỉ cấp 1 lối đi vòng quanh Đền, rộng 3,61m, cấp 2 lối đi rộng 2,15m vòng 3 mặt trước và 2 bên đền tới ngang hậu cung. Biên các lối đi được xây tường bao cao 1m, dày 0,3m, trang trí gạch thông gió ô vuông chồng nhau và ô tròn bông mai, giả như thành, quách làm tôn vẻ uy nghi của nơi thờ tự.

     Toàn bộ tòa nhà cao 9m được chịu lực bởi 12 cột gỗ sao và hệ thống rường, kèo bằng gỗ xen kẽ cột gạch, tường gạch chắc chắn, mái lợp ngói âm – dương. Do bình đồ vuông nên Đền có kiến trúc bốn cạnh tương tự nhau nhưng các chức năng cửa chính, cửa hai bên và hậu cung được phân chia rõ.

Ngoại thất Đền gồm hai phần kiến trúc dưới gạch, trên gỗ, vươn lên cao với hai tầng mái kiểu trùng thiềm điệp ốc, phòng chống mưa tạt, đảm bảo quanh năm sáng sủa thoáng mát do các khe lá gió tầng trên vừa lấy ánh sáng vừa lấy gió trời. Đặc biệt, từ bậc cửa lên tầng mái 1 ở độ cao khoảng hơn 3 m có thêm một khung mái nhô ra che chiếu nghỉ được bốn cột xi măng chống đỡ tạo thành tiền sảnh ở ba mặt: trước và hai bên, còn mặt sau được xây bít, biến thành hậu cung. Hai đầu đao của khung mái này trang trí hồi văn hóa phụng: có tất cả tám con phụng đang trong tư thế ngẩng đầu. Giữa khung mái tiền sảnh và khung mái 1 là một đoạn tường gạch trang trí một băng các ô gạch thông gió hình thoi cách điệu và gạch men xanh Đồng Nai bao bốn góc. Khung mái 1 nhô ra khoảng 1,50 m che mưa nắng cho đoạn tường này. Trên bốn đầu đao của khung mái 1 là họa tiết dây lá hóa phụng chạy suốt chiều dài uốn lượn trong tư thế đầu quay ngược chầu vào Đền. Giữa tầng mái 1 và mái nóc là khe lá gió bằng gỗ cao 1,50 m trang trí ba ô tròn chữ “Thọ” sơn đỏ trong khung vuông màu vàng bốn góc chạm hoa lá, hai bên chữ “Thọ” là băng hồi văn chữ “Vạn” dọc theo tạo thành câu chúc tụng “Vạn Thọ Vạn Vạn Thọ…”. Mái nóc là một hình tứ diện được vuốt bằng các đường cong mềm mại, bốn phía có đầu đao vút cao với tượng rồng uốn lượn hình sin. Đỉnh Đền là ngọn tháp có bốn phần dưới là quả cầu có hình nan quạt ở bán cầu dưới, đoạn trên hai tầng là búp hoa Châu Âu vươn thẳng lên không trung.

Có chín cửa vào chia đều theo ba hướng: mỗi cửa gồm bốn cánh bằng gỗ trang trí chia ô, chạm thủng, chạm nổi, sơn son thếp vàng hoa lá mây cách điệu phía xa nhìn tựa như những bình hoa. Mi cửa chạm lộng hoa văn hình học và chữ Hán: Phúc – 鹿 Lộc – Thọ.

Trong nội thất: trần nhà chia chín ô chạm ngoài vuông trong tròn tượng trưng trời và đất trang trí đề tài rồng, phượng. Các khe lá gió giữa các cột cũng được chạm thủng, chạm nổi, sơn son thếp vàng, hồi văn chữ “Vạn”, ô tròn chữ “Thọ” giống như ngoại thất, phía dưới là bức chạm hoa lá, cuối cùng là rèm tam quan gỗ chạm “Lưỡng Long triều nhật” , “Phụng”, “Dơi” , “Mai”, “Lan”, “Cúc”, “Trúc”. Tường giáp mái trang trí các ô tranh tường chữ nhật cẩn gạch chủ yếu màu xanh đề tài “Hoa lá”, “Tứ thời”, “Lỗ bộ”, mỗi cạnh năm ô đối xứng trái – phải, trước – sau nhằm làm dịu độ vàng chói của các đồ sơn son thếp vàng.

Đền thờ thể hiện như nơi ngự triều được bố trí trang nghiêm, từ cửa chính vào có đủ lỗ bộ, chiêng, trống, tàn, lọng…ở hai bên, chừa khu vực giữa làm nơi chiêm bái, hành lễ. Trước bàn thờ chính là ba lớp bàn hương án: lớp ngoài là kệ tam sơn trưng bày 18kg đất và 18lít nước do nhân dân tỉnh Phú Thọ tặng năm 2000, với ý nghĩa đất Tổ luôn hiện diện trong lòng Thành phố lớn nhất phương Nam. Lớp giữa cũng một kệ tam sơn trên có bình hoa, đĩa quả tử, hai bên là đôi hạc chầu, lớp trong là bàn gỗ chạm rồng trên có lư nhang bằng đồng, chân đèn, bình hoa.

Chính điện có câu đối lòng mo trên hai cột chính và ba bàn thờ, sau chính điện là hậu cung có cửa ra vào.

 Cặp liễn lòng mo chữ Việt nền đỏ nhũ vàng ở hai cột chính trình bày kiểu viên tự (chữ trong vòng tròn) với nội dung:

“Nắng mưa  thế miếu lăng vẫn thế, non sông đất nước vẫn bền lâu

Con cháu còn tôn tổ hãy còn, nòi giống nhà ta sinh sản mãi”.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2013, đền Hùng được hiến tặng thêm 2 câu liễn tiếng Việt lòng mo phương tự (chữ trong ô vuông) cũng trên nền đỏ nhũ vàng. Hai câu liễn được đặt tại hai cột chính gần cửa ra vào tạo với 2 câu bên trong thành tứ trụ:

“Văn Lang khởi thủy

Việt Nam trường tồn”

Cả hai cặp liễn đều được chạm phía trên đầu là con dơi trên mình khắc chữ Hán (Thọ) trong vòng tròn ngậm câu đối với ý nghĩa phúc thọ từ trời ban xuống, cuối câu đối chạm giỏ trái cây lựu đào- chữ (Vạn) thể hiện ý nghĩa con cháu đầy đàn, tồn tại bền lâu.

Cả hai nhằm khẳng định công đức dựng nước to lớn tựa như đất trời (chữ tròn, chữ vuông) của các vua Hùng và sức sống mạnh mẽ vô tận của dân tộc Việt Nam. Ý nghĩa của chữ hình tròn, hình vuông trên hai cặp đối liễn còn nói lên mong ước đất nước toàn vẹn của dân tộc Việt Nam.

Đền được bố trí ba bàn thờ chính gồm bàn thờ giữa và hai bàn thờ hai bên. Bàn thờ giữa lớn nhất có ba thần chủ viết bằng chữ Hán được tàn vàng và lọng tía che:

·        Thần chủ giữa: Việt Nam Quốc Tổ Tiên Đế Hùng Vương Ngọc Bệ Hạ” – thờ Quốc Tổ Hùng Vương.

·        Thần chủ bên trái: Việt Nam Lương Thần Danh Tướng Linh Vị” – thờ những bề tôi trung nghĩa và tướng giỏi.

·        Thần chủ bên phải: “Việt Nam Bách Tính Tiên Tổ Linh Vị” – thờ Tổ Tiên Trăm họ Việt Nam.

Bàn thờ hai bên nhỏ hơn, thần chủ của hai bàn thờ này để trống ngụ ý thờ vọng các thế hệ tiền bối của nhân dân Việt Nam.

Các bàn thờ đều làm bằng gỗ quý chạm trổ “Tứ linh”, sơn son thếp vàng. Trên các bàn thờ có đầy đủ “lục sự” theo tục lệ thờ cúng cổ truyền Việt Nam: bình hoa, chân đèn, lư hương, đĩa quả tử, đài thờ và các chung rượu. Theo thông lệ, các vật dụng đồ thờ trong đền thờ vua Hùng đều dùng những sản vật sản xuất tại Việt Nam.

Trong Đền còn có một chiếc kiệu rồng sơn son thếp vàng, dùng khi có những buổi lễ long trọng cần di dời thần chủ.

Để khách thăm đền có thêm ý niệm về đất Tổ và các Vua Hùng, đền trưng bày hộp hình di tích Đền Hùng Phú Thọ giới thiệu cảnh quan hùng vĩ của núi Ngũ Lĩnh - vùng đất thiêng nơi Vua Hùng ngự trị hai chiếc trống đồng nổi tiếng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ – di sản văn hóa độc đáo của người Việt cổ thời Hùng Vương cách nay khoảng 2. 500 năm được phục chế lại.

Phía ngoài Đền được bố trí cảnh quan phù hợp nơi tôn nghiêm: đường vào Đền dài 29,37m, hai bên có hàng sứ đỏ – trắng do Tổng thống Philippines trồng lưu niệm khoảng những năm 1930; hai chiếc đỉnh đồng: “Đỉnh Cao” và “ Đỉnh Anh” đúc khoảng đầu thế kỷ 20 phỏng theo Cửu Đỉnh Huế – đặt ở hai bên bậc thang mặt tiền đền, nhìn về phương Bắc khẳng định cho sự bền vững của đất nước, các góc Đền trồng cây si cổ thụ rậm rạp tượng trưng cho gốc rễ sâu xa của toàn dân tộc. Bên phải Đền đặt tượng voi bằng đồng do vua Thái Lan tặng nhân chuyến thăm Sài Gòn của ông ngày 14/4/1930.

Đền Hùng đã được chọn làm nơi tổ chức lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch của Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh từ sau ngày giải phóng đến năm 2009. Từ năm 2009, việc tổ chức Lễ Giỗ Tổ cấp Thành phố được Thành Ủy và Ủy ban Nhân dân – TP.HCM chuyển về Đền thờ Vua Hùng mới xây dựng tại Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc (Quận 9) và Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại đây được giao cho UBND Quận 1 phối hợp với Bảo tàng Lịch sử tổ chức.

  Hàng năm, Đền đón tiếp hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến thăm, vọng bái các vua Hùng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Đình Tư – Đường phố nội thành TP. Hồ Chí Minh – Chi cục bản đồ và Khảo sát xây dựng, Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh – Năm 1993, tr.199-200

2. 365 bước chân dạo quanh Bảo tàng lịch sử Việt Nam – TP.HCM – Năm 2008

3. Một số trang web liên quan đến Đền Hùng thuộc Bảo tàng Lịch sử



[1] Kiểu kiến trúc này của Đền đã bị chế độ cũ lợi dụng: tầng hầm của Đền đã bị biến thành P42? nơi địa ngục trần gian chuyên dùng biệt giam tra tấn, đày đọa, thủ tiêu chiến sĩ Cách Mạng

ĐỀN THỜ HÙNG VƯƠNG - Phạm Hữu Công
Xem Ảnh lớn
ĐỀN THỜ HÙNG VƯƠNG - Phạm Hữu Công
Xem Ảnh lớn
ĐỀN THỜ HÙNG VƯƠNG - Phạm Hữu Công
Xem Ảnh lớn