ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI CÓ MỘT CƠ QUAN QUẢN LÝ CỔ VẬT
Cổ vật là hồn thiêng sông núi, là nguyên khí quốc gia của thời xa xưa còn lưu lại, là chứng tích của các thời kỳ oanh liệt đã qua. Cổ vật mang trong mình giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị kỹ thuật, mỹ thuật, giá trị khoa học, giá trị tộc người và các giá trị phi vật thể khác. Với các giá trị đó, cổ vật mang lại cho người lưu giữ nó nhiều lợi ích to lớn từ lợi ích tinh thần đến lợi ích kinh tế.
Phạm Hữu Công
Không ít người đã nổi danh, đã giàu có trong việc nghiên cứu hoặc trong việc mua bán cổ vật. Vì vậy, lưu giữ cổ vật là một vinh hạnh cho các cá nhân cũng như tập thể. Tuy có nhiều giá trị như trên nhưng cổ vật cũng chỉ là một tài sản có thể quy ra tiền và có thể chuyển đổi chủ sở hữu nên luật pháp Việt Nam đã quy định những điều kiện cho người kinh doanh mặt hàng này.
Trong các hoạt động bình thường cũng như hoạt động kinh tế, người dân đều được quyền tự do chọn cho mình điều mình thích hoặc ngành nghề thích hợp. Tuy nhiên vì lợi ích số đông và lợi ích xã hội hoặc lợi ích quốc gia, trong phần lớn các hoạt động bình thường hoặc hoạt động kinh tế, luật pháp yêu cầu người tham gia phải có đủ sức khỏe hoặc có đầy đủ kiến thức mới có thể tham gia hoạt động mà mình lựa chọn chẳng hạn trong hoạt động bình thường là việc lái xe trên đường phố. Ai cũng có quyền lái xe nhưng vì lợi ích công cộng và để đảm bảo an toàn nên người nào muốn lái xe thì phải tuân thủ luật giao thông và phải có giấy phép lái xe thích hợp. Hoạt động sưu tầm, mua bán đồ cổ cũng vậy vì lợi ích bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc bắt buộc người sưu tầm buôn bán đồ cổ phải có kiến thức nhất định vì vậy phải có “ giấy phép” nào đó cho việc hành nghề. Cơ quan nhà nước phụ trách công việc cấp “giấy phép” này chính là cơ quan quản lý di sản ở trung ương và địa phương nhưng cho đến nay nhà nước chưa thực hiện công việc này trong khi đó đã từ lâu, trên cả nước tồn tại một thị trường buôn bán cổ vật rất sôi động và thị trường này hầu như chưa chịu sự kiểm soát của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào.
Nếu xét kỹ thì cổ vật là một mặt hàng đặc biệt, mặt hàng này nếu đã hư hỏng hoặc mất mát thì không thể tái tạo song chúng lại có giá trị kinh tế cao khó thể đong lường. Chính vì vậy mà cổ vật luôn được giới mua bán săn lùng để hưởng lợi. Và điều mà ai cũng thấy là việc sưu tầm, mua bán cổ vật là một hành vi có ảnh hưởng quan trọng đến sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đất nước- một sự nghiệp mà nhà nước cũng như toàn dân đều hết lòng chăm lo nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc của nước Việt Nam ngàn năm văn hiến- nên đã có sự can thiệp của pháp luật để ngăn ngừa, tiết chế những hành vi tác hại xấu đến di sản cha ông như xâm hại, phá hủy, không kịp thời bảo quản cổ vật hoặc lợi dụng lừa đảo trong việc mua bán đồ cổ: Năm 2001 Luật Di sản Văn hóa được ban hành, sau đó năm 2009 luật được sửa đổi nhằm điều chỉnh các hành vi liên quan đến di sản nước nhà trong đó có di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Cách đây đúng 2 năm, tháng 9/2010 chính phủ ban hành nghị định 98 CP trong đó quy định việc Quản lý hoạt động mua bán di vật cổ vật bảo vật quốc gia tại các điều 18 cho tới điều 27. Đó chính là cơ sở để các cơ quan nhà nước có liên quan trên lãnh vực này như Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Cục Di sản văn hóa, Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế …có những phối hợp công tác để quản lý tốt nhất lãnh vực cổ vật trong đó Bộ VHTT&DL, Cục Di sản văn hóa đóng vai trò nòng cốt.
Về mặt lý thuyết, di sản văn hóa là một khái niệm rất lớn và nếu phân loại thì di sản văn hóa bao gồm 2 lãnh vực: di sản vật thể và di sản phi vật thể, trong lãnh vực di sản vật thể có thể chia 2 nhóm: di tích (bất động sản), cổ vật (động sản) và khi nhà nước quản lý chính là quản lý về các lĩnh vực này. Hiện nay, Cục Di sản văn hóa đã có 3 cơ quan (3 phòng) quản lý 3 lãnh vực: 1.quản lý bảo tàng, 2.quản lý di tích tức quản lý bất động sản, tương ứng ở các tỉnh thành là các Trung tâm bảo tồn di tích, và 3. quản lý di sản văn hóa phi vật thể,(xin xem Danh bạ diện thoại ngành Di sản văn hóa-Lưu hành nội bộ, Hà Nội-2010, tr5-6) nhưng điều đáng quan tâm là trong lãnh vực sôi động nhất, nóng bỏng nhất, bức xúc nhất là quản lý động sản tức cổ vật thì chưa bao giờ có sự quản lý nhà nước. Rõ ràng đây là sự khiếm khuyết về mặt tổ chức. Nghị định 98CP đã mở ra khả năng pháp lý về quản lý cổ vật với cả một chương IV qui định về “Quản lý di vật cổ vật bảo vật quốc gia”.(Nghị định 98 tr.11-15, Tài liệu photo)
Có thể có người cho là quản lý bảo tàng tức là quản lý cổ vật. Điều này không đúng vì bảo tàng là một đơn vị hoạt động trên nhiều lĩnh vực, quản lý bảo tàng tức là quản lý toàn diện các hoạt động bảo tàng. Quản lý bảo tàng thì chỉ quản lý được cổ vật của bảo tàng đang gìn giữ còn các loại cổ vật khác không do bảo tàng gìn giữ thì không thể quản lý được. Vì vậy điều cấp bách là Cục Di sản văn hóa và các sở VHTT&DL địa phương cần có một tổ chức nào đó phụ trách mảng công tác đặc biệt này theo tinh thần nghị định 98 CP. Đó là cơ sở pháp lý và thực tiễn để tiến hành thành lập phòng Quản lý Cổ vật trực thuộc cục Di sản văn hóa và ở các địa phương là các Trung tâm quản lý cổ vật thuộc sở VH,TT&DL. Trung tâm Quản lý Cổ vật thuộc Cục Di Sản văn hóa và Sở Văn hóa, Thể Thao&Du lịch địa phương có chức năng và nhiệm vụ chính như sau:
- Quản lý di vật, cổ vật bảo vật quốc gia: nắm số lượng, địa chỉ cụ thể di vật cổ vật bảo vật quốc gia
- Quản lý hoạt động mua bán di vật cổ vật bảo vật quốc gia: Hướng dẫn, kiểm soát thị trường cổ vật tại địa phương, hướng dẫn, kiểm soát các cửa hàng mua bán cổ vật tại địa phương, hướng dẫn, kiểm soát cá nhân buôn bán cổ vật và sưu tầm cổ vật, hướng dẫn, kiểm soát các hoạt động khác tại địa phương trong lãnh vực cổ vật, xử lý tất cả các vấn đề liên quan đến việc cổ vật tại địa phương.
Công việc của Trung tâm bao gồm:
- Quản lý cổ vật : tổ chức các lớp tập huấn kiến thức cho chủ cửa hàng mua bán di vật cổ vật bảo vật quốc gia và người có yêu cầu sưu tầm cổ vật, cấp Chứng chỉ hành nghề mua bán di vật cổ vật bảo vật quốc gia cho các cửa hàng buôn bán cổ vật, cho cá nhân người sưu tầm và buôn bán, cấp giấy chứng nhận di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, xuất bản ấn phẩm về cổ vật, quản lý trang web của đơn vị và các tổ chức trực thuộc, quản lý các hội Cổ Vật, quan hệ với các bảo tàng, quản lý các trung tâm Giám định cổ vật.
-Quản lý hoạt động mua bán cổ vật: kiểm tra các hoạt động buôn bán và sưu tầm tại địa phương, xử lý các vụ việc vi phạm, ra văn bản xử lý.
-Giám định cổ vật
Với trách nhiệm và quyền hạn sau:
1-Tổ chức việc kiểm tra, cấp Chứng chỉ hành nghề mua bán di vật cổ vật bảo vật quốc gia cho các cửa hàng mua bán cổ vật, bản sao cổ vật.
2-Tiếp nhận, quản lý di vật cổ vật bảo vật quốc gia do thăm dò khai quật hoặc do tổ chức cá nhân phát hiện giao nộp.
3-Đăng ký di vật cổ vật bảo vật quốc gia ( trong những ngày đầu nên tổ chức Khai báo di vật cổ vật bảo vật quốc gia và sẽ tiến hành đăng ký khi Trung tâm sắp xếp ổn định). Nhận Hồ sơ Khai báo Di vật cổ vật bảo vật quốc gia của cá nhân và tập thể, nhận hồ sơ đăng ký di vật cổ vật bảo vật quốc gia của cá nhân và tập thể, tổ chức thẩm định và Cấp giấy chứng nhận di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo Biên bản thẩm định của Hội đồng Thẩm định Sở VH,TT&DL.
4-Đưa di vật cổ vật bảo vật quốc gia ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản. Tư vấn cho cấp trên về giải quyết các khiếu nại, tố cáo về di vật cổ vật bảo vật quốc gia khi làm thủ tục mang ra nước ngoài.
5-Làm thủ tục cho việc cấp giấy phép làm bản sao di vật cổ vật bảo vật quốc gia.
6-Tư vấn cho Giám đốc Sở ra quyết định khai quật khảo cổ theo đơn yêu cầu của các tổ chức có chức năng khai quật khảo cổ. Tư vấn cho Giám đốc Sở ra quyết định cho phép các Trung tâm Giám định Cổ vật hoạt động.
6-Tổ chức kiểm tra (phối hợp với cơ quan quản lý thị trường và cơ quan thuế địa phương) các hoạt động buôn bán cổ vật trong và ngoài các cửa hàng buôn bán cổ vật tại địa phương.
4-Làm thủ tục cấp phép cho các buổi bán đấu giá cổ vật của các tổ chức kinh tế xã hội tại địa phương.
5-Tổ chức các lớp tập huấn (theo chương trình được duyệt), kiểm tra và lập hồ sơ để Giám đốc Sở cấp Chứng chỉ hành nghề mua bán di vật cổ vật bảo vật quốc gia cho chủ cửa hàng mua bán di vật cổ vật bảo vật quốc gia và cho các cá nhân có yêu cầu sưu tầm cổ vật.
6- Thường xuyên họp giao ban với cơ quan QLTT và Thuế về việc quản lý và đánh thuế những cửa hàng mua bán cổ vật, những hoạt động mua bán cổ vật, những hoạt động sưu tầm cổ vật.
7-Ra những văn bản phù hợp với luật Di Sản Văn hóa và nghị định 98CP trong việc kiểm soát thị trường cổ vật ở địa phương
8-Xử lý các vi phạm về buôn bán cổ vật, về sưu tầm cổ vật không đúng qui định theo luật Di sản Văn hóa và nghị định 98 CP.
9-Xuất bản tạp chí “Thông tin Cổ vật”
10-Quản lý nội dung các trang web, các tài liệu về cổ vật tại địa phương, quản lý các hội Cổ vật sinh hoạt tại địa phương, các trung tâm giám định cổ vật tại địa phương.
12. Tổ chức giám định hiện vật theo yêu cầu.
13. Quan hệ với các bảo tàng tại địa phương trong lãnh vực quản lý cổ vật.
Phòng Quản lý cổ vật thuộc Cục Di sản văn hóa ra các văn bản mẫu để các địa phương thực hiện thống nhất trong cả nước chẳng hạn Qui định về tổ chức và hoạt động của cửa hàng mua bán di vật cổ vật bảo vật quốc gia về chương trình tập huấn “Sưu tầm, bảo quản di sản văn hóa” nhằm cấp cho học viên chứng nhận để học viên từ đó có thể xin cấp “chứng chỉ hành nghề kinh doanh mua bán di vật cổ vật bảo vật quốc gia” theo luật định. Các mẫu chứng nhận và chứng chỉ hành nghề và qui định việc sử dụng chúng cũng nên có sự thống nhất từ phòng.
Tóm lại, đã dến lúc nhà nước cần có sự quản lý cổ vật một cách bài bản. Đó là cơ sở để bước đầu nắm bắt và đi tới ổn định thị trường cổ vật.