CHIẾC KHÁNH ĐỒNG THỜI TÂY SƠN - Nguyễn Thị Nguyệt[1] Nguyễn Tâm Hữu[2]
Vương triều Tây Sơn được thành lập sau cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Tuy chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng vương triều Tây Sơn đã để lại một dấu son trong lịch sử Việt Nam và một khối di sản vật chất và tinh thần phong phú.
Tuy nhiên cùng với thời gian những hiện vật thời Tây Sơn cũng bị mai một nhiều. Bài viết giới thiệu một chiếc khánh bằng đồng có niên đại thời Tây Sơn.
Chiếc khánh cao 45cm, rộng ngang 48cm, trọng lượng 6kg thuộc sở hữu của ông Nguyễn Tâm Hữu ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Khánh có hình dáng giống như một con dơi đang dang cánh, thành khánh dạng văn như ý cách điệu, trên quai khoét 2 lỗ thủng dùng để xỏ dây treo khánh.
Mặt khánh đúc nổi núm gõ tròn hình mặt trời với các tia sáng dạng trái tim hai đầu xoắn ốc. Mép chạm nổi hồi văn sóng nước cách điệu đan xen là các chấm tròn trong 2 đường gờ nổi.
Lưng khánh có 3 dòng chữ đã bị đục phá không còn đọc được nội dung. Bên dưới đúc nổi núm hình mặt trăng, chòm sao Bắc Đẩu và một số ký hiệu chưa giải mã được. Mép chạm nổi hồi văn bán công trong 2 đường gờ nổi.
Vài nhận xét:
- Về hoa văn: những đường nét tạo tác rất uyển chuyển tạo cho khánh vẻ mềm mại và thanh thoát. Hoa văn trang trí trên khánh chủ yếu ở phần mép với những môtip truyền thống như sóng nước, nhũ đinh, bán công, ... Phần mặt và lưng khánh trang trí mặt trời, mặt trăng (biến thành núm để gõ) và các chòm sao, điều đó cho thấy nhân dân đương thời đã hình tượng hóa những biểu tượng thiên văn trên những loại hình chuông khánh. Với những hoa văn như trên có thể thấy chiếc khánh này có thể được sử dụng trong đình, chùa với các nghi thức tín ngưỡng tôn giáo có liên quan đến thiên văn, ngoài ra chiếc khánh này còn có thể được dùng làm hiệu lệnh cho quân đội Tây Sơn.
- Về kỹ thuật đúc khánh: Khánh được đúc nguyên khối với kỹ thuật truyền thống tuân theo trình tự các bước: làm khuôn, tạo mẫu, nung mẫu khuôn, rót vào khuôn và để nguội. Hoa văn trên khánh tuy đơn giản nhưng rõ ràng, uyển chuyển, được thực hiện bằng kỹ thuật khắc chìm ngay trên mẫu khuôn đúc.
- Khánh có hình dáng cân đối, thành khánh dạng văn như ý vừa tạo sự mềm mại nhưng vẫn uy nghiêm. Núm khánh đã bị lõm do sử dụng.
- Về niên đại: đối chiếu với những loại hình chuông khánh khác và dựa vào hoa văn trang trí trên khánh thì niên đại của khánh được nhận định vào cuối thế kỷ 18 – thời Tây Sơn. Dòng lạc khoản ở mặt lưng khánh chính là những thông tin về niên đại cũng như tên khánh hoặc người dâng cúng, nhưng đều đã bị đục phá không còn đọc được, điều này cũng góp phần củng cố thêm niên đại thời Tây Sơn của chiếc khánh này khi mà đã có rất nhiều di vật thời Tây Sơn đã được công bố đều bị đục phá phần lạc khoản mang tên vương triều Tây Sơn. Nhân dân đương thời muốn lưu giữ lại những dấu ấn của nhà Tây Sơn nên đã đục bỏ dòng niên đại nhằm tránh cho hiện vật bị nhà Nguyễn phá hủy.
Khánh không phải là một loại hình hiện vật hiếm có, tuy nhiên trong số những loại hình đồ thờ cúng thời Tây Sơn như chuông, khánh, khác với chuông đã được phát hiện và công bố khá nhiều thì khánh được tìm thấy và công bố khá hạn chế. Theo thống kê sơ bộ trong những tư liệu về triều Tây Sơn có 1 chiếc khánh ở chùa Hoa Nghiêm, xã Dương Nội, Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội) được công bố trong “Những phát hiện mới về khả cổ học năm 1994”, ngoài ra còn có một chiếc khánh hiện đang lưu giữa tại Đền Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội. Như vậy, với việc tìm hiểu chiếc khánh này góp phần nghiên cứu những tư liệu hiện vật thời Tây Sơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bảo tàng Lịch sử - TP.HCM, Cổ vật thời Tây Sơn, TP.HCM, 2011
2. Những phát hiện mới về khảo cổ học từ năm 1990 - 2008
[1] Bảo tàng Lịch sử - TP.HCM
[2] Sưu tập tư nhân