Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 10
Truy cập hôm nay: 74484
Tổng số truy cập: 3311475
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

CHIẾC ĐỈNH ĐỒNG THỜI NGUYỄN BẢO TÀNG LỊCH SỬ

2013-01-04 15:45:07

Tháng 5 năm 2012, Bảo tàng Lịch sử - Tp.Hồ Chí Minh sưu tầm được một đỉnh đồng có hình dáng, hoa văn, minh văn chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử văn hoá.

Nguyễn Việt Trung


 Đỉnh đúc bằng đồng, đã lên ten xám đen, kích thước cao: 39,5; đường kính miệng: 26,5; có dạng tròn 3 chân, cổ thắt, bụng phình. Trên thành miệng của đỉnh có đúc hai hình rồng và hai mặt trời (châu ngọc) phát sáng với các đao vút lên trên, tất cả đều ở dạng đối xứng. Rồng trong tư thế ngẩng cao đầu, hai chân dang rộng bám vào thành miệng đỉnh, hai chân sau dang rộng bám vào thân đỉnh. Thành miệng bên ngoài đúc nổi băng hoa lá kết hợp với các đường gờ nổi. Cổ đúc nổi băng hoa văn hồi văn. Tiếp xúc giữa cổ và vai có băng hoa văn như ý. Phần thân đúc nổi ở một bên là hình mặt rồng mây cách điệu; một bên đúc nổi hình hai con long mã (lân?) trong tư thế vờn cầu mây cách điệu; trôn đỉnh có một lỗ tròn thủng đường kính khoảng  1,5cm. Chân có dạng chân quỳ với hình dáng đúc nổi  mặt linh thú.
Đặc biệt, ở phần thân, đan xen các khoảng trống của đồ án đúc nổi rồng, long mã, có khắc một số minh văn, nội dung như sau: 春長府衙 (Xuân Trường phủ nha) 安朗社靈應寺 (An Lãng xã, Linh Ứng tự. 通吏黎進供 (Thông lại Lê Tiến cúng). 嗣德十五年春月日鑄造 (Tự Đức thập ngũ niên, Xuân nguyệt nhật chú tạo). (Tạm dịch: Thông Lại Lê Tiến cúng tiến chùa Linh Ứng (xã An Lãng, phủ Xuân Trường) ngày xuân năm Tự Đức thứ 15 (1862)).
Căn cứ vào hình dáng, hoa văn, kỹ thuật chế tác, qua nghiên cứu so sánh với hệ thống đỉnh, lư…đồng thời Nguyễn trong sưu tập của một số Bảo tàng, di tích và sưu tập tư nhân, có nhiều khả năng đây là sản phẩm của làng đúc đồng Tống Xá - Vạn Điểm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định được hình thành từ thế kỷ 13-14 và phát triển 17 – 18 với các sản phẩm chính là đúc đồ thờ tự, tượng…còn tồn tại và phát triển cho đến hôm nay.
Từ nội dung minh văn trên đỉnh cho thấy, thời Nguyễn cũng như một số thời kỳ khác trong lịch sử Việt Nam, mặc dù triều đình coi trọng, đề cao tư tưởng Nho giáo trong việc trị vì đất nước áp dụng, truyền bá đối với hệ thống quan lại. Nhưng, cũng vẫn không ngăn được niềm tin của lòng người tìm đến với Phật giáo, mà ở đây trường hợp một Thông lại – một  trong hệ thống quan lại thời Nguyễn, tên là Lê Tiến ở xã An Lãng, Phủ Thiên Trường cúng tiến chiếc đỉnh dâng chùa Linh Ứng là một minh chứng.
Như vậy, đây là hiện vật chứa đựng nhiều giá trị, góp phần bổ sung tư liệu trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, trưng bày giới thiệu cho khách tham quan về các giá trị văn hoá truyền thống làng nghề, tôn giáo tín ngưỡng của Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
-    Đặng Văn Thắng Hoàng Anh Tuấn 1992: Đôi nét về văn hóa nghệ thuật Nguyễn, Những vấn đề văn hóa xã hội thời Nguyễn, Tập 1. NXB KH Hà Nội.
-    Phạm Hữu Công 1992: Nghề đúc lư hương ở Tân Hòa Đông (Tp.HCM), Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1992.