CHIẾC ĐĨA ĐÈN - Lê Thanh Bình
Trong những năm qua, Bảo tàng Lịch sử - Tp.HCM đã không ngừng nâng cao chất và lượng trong công tác sưu tầm, kết quả mang lại cho Bảo tàng nhiều cổ vật có giá trị, tạo cho bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng ngày càng trở nên phong phú. Nổi bật trong số hàng ngàn hiện vật đã được sưu tầm phải kể đến chiếc đĩa đèn bằng đồng. Hiện vật có chiều cao 12cm, đường kính miệng 10,5cm, được cấu tạo gồm bốn phần thân, đế, tay cầm và chân đèn.
Phần thân: Dạng bán cầu, thành khum, vành miệng loe bẻ xuống và sứt ½ vành miệng, thân được gắn với đế bằng một đinh tán.
Phần đế: Được đúc thành nhiều cấp theo dạng thắt ở giữa loe dần về hai đầu. Tại điểm thắt đắp nổi đường gờ chạy quanh thân gắn với tay cầm. Nhiều cấp là cách tạo hình kiểu chùa tháp cũng là điểm đặc trưng của phong cách Khmer. Các tầng lớn, nhỏ chồng lên nhau theo kiểu giật cấp kết hợp hài hòa tạo cho tác phẩm trở thành một thể thống nhất và cân đối mang tính thẩm mỹ cao.
Tay cầm: Được gắn với đế đèn dài 17cm dạng uốn lượn hình sin, trên thân khắc chìm hai đường thẳng chạy song song dọc theo tay cầm. Phần cuối của tay cầm đúc nổi rắn Naga ba đầu, hai đầu nhỏ hai bên đối xứng qua một đầu lớn chính giữa, cách thể hiện này nói lên các nghệ nhân đã đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật tạo hình khi thể hiện trên cùng một hiện vật bao gồm hai trạng thái tĩnh và động. Tĩnh thể hiện ở phần thân đèn, động thể hiện ở tay cầm hình rắn Nanga uyển chuyển lượn sóng như đang di chuyển về phía trước.
Phần chân: Có bốn chân dạng hình rắn Naga đang uốn mình lao xuống đầu ngửa lên, mặt nhìn thẳng miệng há, chỗ tiếp giáp giữa đế và chân đế đúc nổi mặt rắn Nanga. Naga là một linh vật trong văn hóa Ấn Độ. Văn hóa Khmer cũng như văn hóa các nước khác ở Đông Nam Á đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa Ấn Độ, văn hóa du nhập này đã đi vào đời sống tinh thần của phần lớn cư dân Đông Nam Á với vô số các vị thần. Từ những hình tượng thần linh qua bàn tay khéo léo của người nghệ nhân chúng đã bước ra khỏi thế giới trừu tượng đi vào kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật bằng những hình ảnh cụ thể bằng chứng cho ta thấy hình ảnh rắn thần Naga ba đầu mềm mại, uyển chuyển được thể hiện trên tay cầm và chân đèn. Như vậy đề tài rắn thần Naga không chỉ thể hiện trong những công trình kiến trúc mang tính tôn giáo mà còn là đề tài được thể hiện trên các vật dụng sinh hoạt hàng ngày.
Qua nghiên cứu về hình tượng nghệ thuật và phong cách bước đầu nhận định đây là chiếc đĩa đèn có niên đại thế kỷ 17 thuộc văn hóa Khmer, là một trong những đồ gia dụng gần gũi với đời sống thường ngày. Thông qua hiện vật phần nào cho ta thấy được giá trị văn hóa, lịch sử mà nó góp phần vào kho tàng văn hóa Khmer nói riêng và nhân loại nói chung. Nó cũng là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại giúp ta nghiên cứu về cuội nguồn lịch sử văn hóa cha ông.