Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 4
Truy cập hôm nay: 36536
Tổng số truy cập: 1956916
 
Yahoo Messenger
donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

BỘ SƯU TẬP CHOÉ GỐM LÁI THIÊU MỚI SƯU TẦM CỦA BẢO TÀNG LỊCH SỬ - TP.HCM - Nguyễn Thị Nguyệt

2012-06-13 19:59:32

Bộ sưu tập gồm 53 chiếc choé có kích thước lớn do một sưu tập tư nhân tại Đà Lạt bán cho Bảo tàng vào năm 2009. Những choé trong bộ sưu tập đa dạng về kiểu dáng, phong phú về màu men và hoa văn trang trí. Trong giới hạn của bài viết chỉ xin giới thiệu 4 chiếc choé gốm Lái Thiêu hiện đang được trưng bày trong chuyên đề “Cổ vật sưu tầm 10 năm đầu thế kỷ 21” tại Bảo tàng.

Chiếc thứ nhất mang số kiểm kê BTLS.29536: Cao 84 cm, đường kính miệng 29 cm. Dạng hình trứng, miệng loe ngang, cổ cao, vai nở, thân thuôn về đáy, trôn bằng. Trên vai đắp nổi 6 quai. Phần miệng, cổ, vai và một phần thân dưới phủ men màu xanh lục. Thân phủ men nâu sậm. Giữa thân đắp nổi “Lưỡng long triều nhật” trong 2 băng hoa văn tam giác trong 2 đường gờ nổi cạo men. Chân đế để mộc.

Chiếc thứ hai mang số kiểm kê BTLS.29571: Cao 85 cm, đường kính miệng 31 cm. Dạng hình trứng, miệng loe, cổ cao, vai nở, thân thuôn về đáy, trôn bằng. Trên vai đắp nổi 6 quai. Thân đắp nổi “Long triều nhật” trong 2 băng hoa văn. Băng hoa văn phía trên đắp nổi mây trong 2 đường gờ nổi, băng hoa văn phía dưới đắp nổi hoa văn chữ V lồng. Toàn thân phủ một lớp men nâu.

Chiếc chóe thứ 3 mang số kiểm kê BTLS.29058: Cao 57,5 cm, đường kính miệng 27,5 cm. Dạng hình trứng, vành miệng bẻ ra ngoài, cổ đứng, vai nở, thân thuôn về đáy. Toàn thân phủ men trắng vẽ “Long ẩn vân hý cầu”, giáp chân đế vẽ băng văn thủy ba bằng men nhiều màu.

Chiếc chóe thứ tư mang số kiểm kê BTLS.29537: Cao 55 cm, đường kính miệng 24 cm. Dạng hình trứng, vành miệng loe ngang, cổ cao, vai nở, trôn bằng. Trên vai đắp nổi 8 quai và hai băng hoa văn nhũ đinh. Thân khắc hoa lá trong những đường tròn nổi. Gần đế đắp nổi băng hoa văn nhũ đinh. Toàn thân phủ lớp men da lươn.

Về hoa văn trang trí: Hoa văn trên bộ sưu tập chóe gốm Lái Thiêu đều là những môtip quen thuộc như rồng, mây, hoa lá, nhũ đinh, hoa văn tam giác, hoa văn chữ V lồng, sóng nước… Trong đó rồng trên gốm Lái Thiêu là loại hình rồng đầu to, có 2 sừng giống như sừng hươu quay ngược ra sau; mũi sư tử; má thon; hàm há rộng, có răng nanh dài, nhọn; mắt to có điểm nhãn. Thân rồng dài, tròn lẳn, phủ kín vảy. Trên lưng có vây được tỉa đều. Rồng có 4 chân có móng nhọn. Đuôi rồng duỗi thẳng, có vây bao quanh xòe ra như đuôi cá. Dạng rồng thời Nguyễn nhưng có sự ảnh hưởng của phong cách rồng Trung Quốc. Những áng mây tạo tác không rõ ràng, thường chỉ là những cụm tròn đắp nổi trên vai chóe hoặc được vẽ phóng tác trên thân chóe. Môtip hoa lá là những loại cây cỏ quen thuộc trong đời sống như hoa cúc, hoa mai… Với kỹ thuật tạo dáng và trang trí hoa văn không cầu kỳ cho thấy những chiếc chóe có kích thước lớn này được sử dụng phổ biến trong đời sống của người dân.

Về màu men: Màu men trên những chiếc chóe này chủ yếu là men xanh lục, lam, nâu da bò, da lươn, men độc sắc. Với những loại hình chóe men màu có kích thước lớn mỗi phần lại phủ một màu men khác nhau, như cổ và vai phủ một màu men, phần thân chia ra làm 3 phần, 2/3 thân trên phủ một màu thường là men nâu với màu nhạt hoặc sậm, 1/3 thân dưới phủ một màu men khác, đôi khi là khác hẳn với những phần trên, đôi khi cùng màu với cổ vài vai. Tuy nhiên, kỹ thuật phủ men không kỹ nên men phủ trên những môtip hoa văn thường bị chảy làm cho hoa văn bị lem màu không còn sắc nét. Riêng với những loại hình men độc sắc như men da lươn hay men nâu thì lớp men khá đẹp và mịn.

Về kiểu dáng: Đa số chóe trong bộ sưu tập đều có kích thước lớn, chiều cao từ trên 50 cm. Xương gốm dày, thô, cứng. Chất liệu chế tạo là loại hình đất sét được khai thác tại chỗ. Với kích thước lớn và đại bàn tìm thấy những chiếc chóe này là khu vực miền Trung Tây Nguyên của Việt Nam cho thấy chóe được cư dân sử dụng khá phổ biến trong việc làm đồ đựng trong sinh hoạt, bên cạnh đó với kích thước và hoa văn trang trí phong phú những chiếc chóe không chỉ là vật dụng trong sinh hoạt mà có thể được sử dụng cả trong tín ngưỡng thờ cúng hoặc là vật trang trí trong gia đình.

Về niên đại: Dựa vào kiểu dáng, môtíp hoa văn trang trí và so sánh với những sản phẩm gốm Sài Gòn và Đồng Nai, thì bộ sưu tập chóe gốm Lái Thiêu của Bảo tàng có niên đại vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.

Gốm Lái Thiêu ra đời vào khoảng giữa TK 19, là sự kết hợp kỹ thuật giữa dòng gốm Nam Trung Quốc và dòng gốm truyền thống Nam Trung bộ của Việt Nam. Những sản phẩm gốm Lái Thiêu xuất hiện trên thị trường và trong các bộ sưu tập tư nhân hiện nay không phải hiếm, việc sưu tầm, lưu giữ và bảo quản những chiếc chóe gốm Lái Thiêu có kích thước lớn góp phần trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy một trong những dòng gốm truyền thống của khu vực Đông Nam bộ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Nguyễn An Dương (Chủ biên), Trường Ký, Lưu Ngọc Vang, Gốm sứ Sông Bé, Nxb Tổng hợp Sông Bé, 1992

2. Nguyễn Văn Thủy (Chủ nhiệm đề tài), Nghiên cứu ngành gốm sứ tỉnh Bình Dương quá trình phát triển và bảo tồn, TP.HCM – Bình Dương, 2010

3.Phí Ngọc Tuyến, Nghề gốm ở TP. Hồ Chí Minh từ TK XVIII đến nay (Luận văn tiến sĩ), 2005

method man snoop dogg buy cialis or generic tadalafil