BẢO TÀNG LỊCH SỬ VIỆT NAM - TPHCM: TUỔI 30 VÀ CHẶNG ĐƯỜNG TỚI - Trần Thị Thuý Phượng
BẢO TÀNG LỊCH SỬ VIỆT NAM - TPHCM: TUỔI 30 VÀ CHẶNG ĐƯỜNG TỚI - Trần Thị Thuý Phượng (*) (*) Giám đốc BTLSVN-TP.HCM Đã 30 năm tồn tại, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị cũng như chuyên môn để hiện nay đã trở thành một địa chỉ văn hóa thân quen của đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.HCM đang bước vào một giai đoạn mới, đầy nỗ lực với mong muốn đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan vốn ngày càng đa dạng và đạt được sự công nhận của quốc tế.
Tuổi 30, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, Bảo tàng đã khẳng định vị trí của mình nhưng vẫn không ngừng tự hoàn thiện để tạo được những nét riêng biệt, không trùng lắp trong hệ thống bảo tàng của cả nước: vừa trưng bày lịch sử Việt Nam vừa trưng bày một số đặc trưng văn hóa của một số nước trong khu vực Châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia…). Về phần lịch sử Việt Nam, trưng bày theo đúng tiến trình lịch sử nhưng xen nhiều yếu tố phương Nam, tạo sự khác biệt ở nội dung và phong cách, nhất là trong thời gian gần đây Bảo tàng đã mạnh dạn đưa thủ pháp mỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào trưng bày để làm tăng sức hấp dẫn của các bộ sưu tập mà vẫn đảm bảo tính khoa học.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của Việt Nam, các bảo tàng ngày càng có vị trí cao hơn và quan trọng hơn trong đời sống văn hóa vì đó là nơi bảo tồn và giới thiệu di sản bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc đã đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần phải quan tâm thì chúng ta mới đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn hội nhập này. Bao gồm sự nỗ lực tự thân và sự ứng dụng tốt những thành tựu về khoa học kỹ thuật cũng như khoa học xã hội và nhân văn:
- Về nỗ lực tự thân: việc xây dựng, đào tạo một ê kíp nhân sự đa năng có tinh thần đoàn kết, tận tụy với công việc và có kiến thức chuyên sâu, thành thạo kỹ năng trong các mặt công tác sưu tầm, trưng bày, kiểm kê, bảo quản, nghiên cứu, maketting, tuyên truyền, tổ chức sự kiện… là điều kiện cần và luôn luôn là một chiến lược lâu dài, nhất quán xuyên suốt qua các đời giám đốc.
Cần có sự thay đổi tư duy trong các công tác chuyên biệt của Bảo tàng, từ đó chấp nhận những chức danh mới như: kiến trúc sư Bảo tàng, chuyên gia ánh sáng, chuyên gia thiết kế, curator, chuyên gia giám định, chuyên gia bảo quản, chuyên gia maketting, tổ chức sự kiện… đây là những chức danh đảm nhận các công việc cốt lõi, chính yếu của Bảo tàng mà từ lâu đã chưa được quan tâm đào tạo. Công việc thuộc các chức danh nói trên hầu như không được giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay ở Việt Nam vì vậy Bảo tàng phải kết hợp việc tự đào tạo và phối hợp đào tạo, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn trong nước cũng như quốc tế để tích luỹ kinh nghiệm cho từng chức danh. Bảo tàng có được may mắn là nhiều cơ hội được tham gia các đợt tập huấn ngắn hạn của một vài dự án và áp dụng ngay vào thực tế công việc. Hiện nay, Bảo tàng đang tự đào tạo các kỹ thuật viên bảo quản, kỹ thuật viên thiết kế, nhân viên maketting… với hy vọng họ sẽ trở thành các chuyên gia trong một tương lai không xa.
- Ứng dụng thành tựu của khoa học xã hội và nhân văn:
+ Đó là ứng dụng quan điểm mới của Đảng và của ngành khoa học lịch sử trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam: các nền văn hóa cổ ở miền Trung và miền Nam nước ta đều thuộc hệ thống lịch sử - văn hóa Việt Nam. Từ đó Bảo tàng đã thực hiện việc đưa các chuyên đề “Văn hoá Champa”, “Văn hoá Óc Eo”, “Văn hóa cổ Đồng bằng sông Cửu Long” trước đây thuộc hệ thống chuyên đề vào hệ thống trưng bày lịch sử Việt Nam.
- Ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật:
+ Trong công tác trưng bày: nắm vững kỹ thuật đồ hoạ, kỹ thuật 3D, những chất liệu mới dùng làm bục bệ, vách ngăn, những loại kỹ thuật in mới, việc sử dụng tia laser, các loại thiết bị ánh sáng…là những điều cần thiết trong việc hiện đại hóa Bảo tàng.
+ Trong công tác thuyết minh: giai đoạn hiện nay số lượng khách tham quan ngày càng đông đảo, một năm bình quân gần 400.000 lượt khách tham quan, công tác thuyết minh sử dụng con người đã trở nên quá tải. Không thể có đủ người để thuyết minh cho hàng ngàn người hàng ngày vào xem. Phải có một hướng mới cho công tác thuyết minh bằng cách phát triển của các sản phẩm nghe nhìn hiện đại. Đã đến lúc Bảo tàng cần phải được trang bị hệ thống thuyết minh tự động bằng máy cassette mini có tai nghe (earphone) với nhiều thứ tiếng hoặc bằng tivi thuyết minh, hoặc có thể sử dụng màn hình vi tính thuyết minh. Thuyết minh bằng máy có lợi thế là máy không nói sai, nói thiếu, lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ. Lúc này nhiệm vụ thuyết minh sẽ đi vào chiều sâu là soạn bài thuyết minh rồi thu âm thu hình. Nhiệm vụ thuyết minh trực tiếp chỉ dành cho những đoàn khách quan trọng hoặc chỉ dành riêng cho đối tượng học sinh hoặc theo yêu cầu của khách tham quan. Với tầm quan trọng của công việc thuyết minh, đã đến lúc giao cho bộ phận thuyết minh quản lý toàn bộ công tác tuyên truyền, đối ngoại, quản lý trang web, quản lý các thiết bị nghe nhìn, phụ trách việc soạn thảo, in ấn tài liệu chuyên môn cho bảo tàng, thậm chí thực hiện nhiệm vụ maketing, quảng cáo sản phẩm Bảo tàng…
+ Trong công tác bảo quản: ngoại trừ đồ gốm sứ, đồ đá có chế độ bảo quản tương đối dễ trang bị, các loại chất liệu kim khí như đồ sắt và chất liệu hữu cơ như đồ gỗ, đồ vải, đồ giấy…cần một môi trường bảo quản đặc biệt. Việc nghiên cứu để sử dụng các loại máy kiểm soát độ ẩm, máy điều hòa nhiệt độ… và các loại hóa chất phù hợp với từng chất liệu là rất quan trọng đòi hỏi Bảo tàng phải có một hệ thống bảo quản hoàn chỉnh và tối ưu hóa cho các loại hiện vật. Qua dự án FSP do Pháp tài trợ, Bảo tàng đã hình thành được một phòng thí nghiệm và một xưởng phục chế nhưng đây mới chỉ là bước đầu, trong tương lai, phòng thí nghiệm phải trở thành một trung tâm “định bệnh” cho các loại hiện vật đang bị hư hỏng và phòng phục chế phải trở thành “bệnh viện” chữa lành cho tất cả các hiện vật.
+ Trong công tác giám định: có thể nói trang bị cho công tác này đến nay rất đơn giản, chỉ là kính lúp hoặc kính lúp có đèn, dụng cụ thử đá quý, thử vàng…cần trang bị thêm các loại máy kiểm tra độ đồng nhất của chất liệu, máy phát hiện hóa chất…
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.HCM đang có một kế hoạch sắp xếp, đào tạo nhân sự và tự trang bị. Sự quan tâm của lãnh đạo UBND Thành phố, của Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch TP.HCM, của các cơ quan hữu quan trong thời gian qua và sắp tới sẽ là một động lực rất lớn giúp Bảo tàng hoàn thành những công việc của mình để luôn xứng đáng là một địa chỉ văn hóa với niềm tin cậy của khách tham quan, nhân dân và thế hệ trẻ của thành phố.