ÁO GỐI THÊU RỒNG THỜI NGUYỄN - Trần Thị Thúy Phượng, Nguyễn Thị Nguyệt
Hòa cùng không khí kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.HCM phối hợp với các Bảo tàng và các nhà sưu tập tư nhân trong cả nước trưng bày chuyên đề “Rồng về Thăng Long”. Đây là chuyên đề tập hợp những hiện vật có hoa văn rồng qua các thời kỳ lịch sử, của mọi miền đất nước, với nhiều chất liệu khác nhau từ đất nung, gốm, sứ, kim loại đến những hiện vật chất liệu vải, đá, gỗ…
Qua đó không chỉ thể hiện sự phong phú của những đồ án trang trí rồng, mà còn thể hiện nhu cầu thẩm mỹ cao cũng như tài hoa tuyệt vời của người nghệ nhân xưa trong việc sáng tạo và thể hiện nhu cầu thẩm mỹ của mình trên đồ dùng. Trong các nhóm chất liệu được trưng bày thì hiện vật chất liệu vải tuy chỉ chiếm một số lượng khiêm tốn (4 hiện vật) nhưng cũng thể hiện sự phong phú về hình tượng rồng cũng như tài hoa của người nghệ nhân trong kỹ thuật may thêu. Bài viết này xin giới thiệu 2 áo gối được tìm thấy tại Quảng Trị, nằm trong bộ sưu tập của sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Dòng tham gia trong trưng bày chuyên đề “Rồng về Thăng Long”.
2 áo gối có kích thước và trang trí hoa văn giống nhau. Áo gối có dạng hình vuông với cạnh dài 59 cm, được cấu tạo bởi hai lớp vải: lớp trên là vải sa bóng, màu đen (đây là loại vải quí, được dùng để may áo của vua, quan, hoặc lớp lót bên trong những chiếc mão) có thêu hoa văn, lớp dưới không có hoa văn là loại vải dệt thô (hay còn gọi là vải tám). Xung quanh có những sợi chỉ ngũ sắc se lại thành hình quả chuông làm thành tua rua (đăng teng) đính quanh áo gối. Viền quanh mép áo gối là dải hoa văn gồm những đoạn thẳng song song được thêu bằng sợi thổ cẩm nhiều màu. Trên mặt áo gối thêu hoa văn bằng những sợi chỉ màu ánh kim thành những vòng tròn đồng tâm. Vòng tròn ngoài cùng là hoa văn chữ hồi liên kết nhau sắp xếp thành băng. Tiếp đến là vòng tròn với đường tạo tác đơn giản. Vòng tròn thứ 3 là vành hoa được tạo bởi hai đường hình sin song song đặt sát nhau tạo thành chuỗi mắt xích. Phần tiếp giáp của hai đường hình sin dùng chỉ đính lại.
Chính giữa của áo gối là hình ảnh “long ẩn vân” (Rồng trong mây), rồng trong tư thế “viên long” (rồng cuộn) ẩn mình trong những áng mây. Áng mây có dạng cuộn xoắn phủ lên thân rồng ở những khúc uốn.
Rồng đầu to, có 2 sừng giống như sừng hươu quay ngược ra sau; mũi sư tử; má thon; hàm há rộng để lộ hàm răng nhỏ, sít, có răng nanh dài, nhọn; mắt to có điểm nhãn. Thân rồng dài, tròn lẳn, phủ kín vảy, uốn lượn những đường hình sin thành vòng tròn. Trên lưng có vây được tỉa đều, dài, mảnh, tia dài ngắn đan xen cách quãng đều nhau. Rồng có 4 chân có móng nhọn, hai chân trước hiện rõ, một chân đang nắm lấy một đám mây, hai chân sau ẩn trong mây chỉ nhìn thấy một phần móng. Đuôi rồng duỗi thẳng, có vây bao quanh xòe ra như đuôi cá. Dạng rồng thời Nguyễn
Về kỹ thuật tạo hoa văn trên áo gối: ngoài đường viền thêu quanh mép được thực hiện bằng kỹ thuật thêu thông thường với chỉ ngũ sắc, còn lại những hoa văn trang trí trên mặt áo gối đều được tạo thành từ những sợi chỉ ánh kim được tạo từ nhiều sợi nhỏ se chặt lại với nhau. Những sợi chỉ ánh kim được uốn tạo hình hoa văn trên mặt áo gối, sau đó dùng chỉ có cùng màu đính những hoa văn đã được tạo hình trên mặt áo gối. Những sợi chỉ đó rất mảnh nên khi cố định hoa văn không bị lộ, mà nhìn vào tổng thể giống như những sợi vàng được thêu dệt trên vải.
Về tình trạng hiện vật: Khi hiện vật được đưa về trưng bày đã bị hư hỏng nhiều. Những sợi chỉ ánh kim bị sứt chỉ ở nhiều chỗ, bộ phận phục chế của bảo tàng đã gỡ những sợi chỉ rối và dùng loại chỉ nhỏ cùng màu để cố định lại hoa văn dựa vào dấu vết hằn trên vải.
Về công dụng của áo gối: Trong những gia đình quý tộc trên lưng ghế thường đặt những áo gối vừa có tác dụng làm tấm lót lưng cho người ngồi lại vừa có tác dụng dùng để trang trí. Có lẽ áo gối này cũng không ngoại lệ.
Dựa vào hoa văn trang trí, chất liệu vải, đặc biệt là hình tượng của rồng thì đây là một hiện vật thời Nguyễn có niên đại cuối TK 19.
Vương triều Nguyễn là vương triều phong kiến cuối cùng của Việt Nam, về mặt thời gian còn khá gần chính vì vậy những hiện vật của thời kỳ này để lại còn rất phong phú với nhiều loại hình, chất liệu khác nhau từ đồ dùng của dân thường đến những đồ ngự dụng của vua chúa. Việc tìm hiểu áo gối này góp một phần nhỏ vào việc nghiên cứu hiện vật thời Nguyễn và kỹ thuật may thêu ở thời kỳ này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Nxb Trường Đại học mỹ thuật Hà Nội và Viện mỹ thuật, 2003
2. Viện khoa học xã hội tại TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử - TP.HCM, Những vấn đề văn hóa – xã hội thời Nguyễn, Nxb Khoa học xã hội, 1995
3. Thái Công Nguyên, Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế, tập 1, Nxb Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, Huế, 1997
4. Trịnh Thị Hòa, Đồ gỗ thời Nguyễn TK XIX – Đầu TK XX, tàng trữ tại BTLSVN – TP.HCM, Luận án phó tiến sĩ khoa học lịch sử, 1995
5. Đoàn Thị Tình, Trang phục Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, 2006
6. Nguyễn Thu Phương, Trang phục Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, Nxb Lao động, Hà Nội, 2005